Chuỗi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu được xây dựng như nào?

Xây dựng chuỗi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu? Yêu cầu chung khi xác định các chỉ số thành phần của hiểm họa, mức độ phơi bày, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu? Lựa chọn chỉ số thành phần của hiểm họa, mức độ phơi bày, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu? Mong anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn. 

1. Xây dựng chuỗi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu? 

Tại Tiểu mục 2 Mục 1 Phụ lục I.1 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BTNMT có quy định như sau: 

2. Xây dựng chuỗi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Sau khi sàng lọc các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cần xây dựng chuỗi ảnh hưởng dựa trên kiến thức hiện có. Xây dựng chuỗi ảnh hưởng là bước khởi đầu để xác định tính dễ bị tổn thương, rủi ro. Chuỗi ảnh hưởng giúp hiểu rõ, hệ thống hóa và xếp hạng những yếu tố làm tăng tính dễ bị tổn thương, rủi ro của đối tượng đánh giá. Chúng chỉ rõ những hiểm họa nào có khả năng gây ra các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do biến đổi khí hậu. Do đó, chuỗi ảnh hưởng là công cụ quan trọng để thảo luận, tham vấn những vấn đề về khí hậu, kinh tế - xã hội, tài nguyên hoặc các chỉ số cần được xem xét, phân tích trong quá trình xác định tính dễ bị tổn thương, rủi ro. Quá trình này giúp tạo điều kiện thuận lợi để xác định các hành động thích ứng phù hợp.
Việc xây dựng chuỗi ảnh hưởng cần được thực hiện độc lập để xem xét các ảnh hưởng có thể định lượng được hay không và cần lưu ý đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các chuỗi ảnh hưởng đã được xây dựng. Có nhiều cách khác nhau để xây dựng chuỗi ảnh hưởng. Đơn giản nhất là bắt đầu với các ảnh hưởng tiềm tàng từ quá trình nhận diện, sàng lọc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (như lượng mưa giảm khiến lượng nước tưới tiêu giảm, dẫn đến năng suất nông nghiệp giảm, hình 2). Trong bước này, cần hiểu được tổng thể các ảnh hưởng liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong trường hợp có nhiều lĩnh vực được đánh giá, thì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cần được thu thập cho từng lĩnh vực riêng biệt. Cần lưu ý tới yếu tố khí hậu đã tác động như thế nào đến đối tượng đánh giá liên quan trong quá khứ và có quan sát thấy xu hướng mới hoặc thay đổi nào trong các hiện tượng thời tiết gần đây hay không?
Trong những trường hợp phức tạp hơn, cần tập hợp các ảnh hưởng theo các chủ đề liên quan để tạo thành các nhóm ảnh hưởng đến đối tượng đánh giá. Lưu ý tập trung vào những ảnh hưởng có tác động nhiều nhất đến đối tượng đánh giá. Các hiểm họa cần được thu thập và xác định đầu tiên (như lượng mưa giảm), sau đó cần xác định các ảnh hưởng trung gian có liên quan (như nguồn nước bị cạn kiệt). Các hiểm họa của biến đổi khí hậu như lượng mưa giảm, nhiệt độ tăng hay nước biển dâng dẫn tới xâm nhập mặn khiến chất lượng nguồn nước tưới tiêu bị suy giảm, gây ra giảm năng suất cây trồng và gia tăng dịch bệnh (Hình 3).
Để dễ hiểu, việc xây dựng chuỗi ảnh hưởng cần tập trung vào các mối quan hệ phù hợp giữa các yếu tố rủi ro khác nhau. Lưu ý, việc này tạo thành một quá trình lặp đi lặp lại và các khía cạnh mới có thể xuất hiện trong suốt quá trình xây dựng một chuỗi ảnh hưởng.
Các ví dụ tại hình 2, hình 3 và hình 4 minh họa sơ đồ phân tích các chuỗi ảnh hưởng theo các mức độ khác nhau (đơn giản, trung bình, phức tạp) trong nông nghiệp.
Hình 2. Ví dụ về phân tích chuỗi ảnh hưởng đơn giản trong nông nghiệp
Hình 3. Ví dụ về chuỗi ảnh hưởng trung bình trong nông nghiệp 
Hình 4. Ví dụ về chuỗi ảnh hưởng phức tạp trong nông nghiệp

2. Yêu cầu chung khi xác định các chỉ số thành phần của hiểm họa, mức độ phơi bày, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu? 

Theo Tiểu mục 1 Mục II Phụ lục I.1 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BTNMT có quy định như sau: 

1. Yêu cầu chung
Chỉ số thành phần là các tham số có tính đại diện, cung cấp thông tin, dữ liệu về trạng thái hoặc điều kiện cụ thể của các chỉ số. Các chỉ số thành phần có thể được đo lường trực tiếp (như diện tích đất trồng trọt, năng suất cây trồng) hoặc gián tiếp (như tỷ lệ nhiễm sâu bệnh, gián tiếp gây thiệt hại cho cây trồng).
Việc xác định tính dễ bị tổn thương, rủi ro được thực hiện thông qua các các chỉ số và chỉ số thành phần có thể là định lượng, bán định lượng hoặc định tính (bằng cách so sánh các giá trị của chỉ số với các ngưỡng tới hạn hoặc các ước tính trước đó). Trong trường hợp thông tin định lượng hoặc các ngưỡng tới hạn không thể được xác định, có thể sử dụng thông tin định tính và việc đánh giá các chỉ số sẽ phụ thuộc chủ yếu vào đánh giá của chuyên gia.
Cần chọn ít nhất một chỉ số thành phần cho mỗi yếu tố rủi ro liên quan, các giá trị của chỉ số thành phần có thể được tổng hợp theo các chỉ số (hiểm họa, mức độ phơi bày, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng) định lượng, bán định lượng hoặc định tính và sau đó có thể tổng hợp để xác định tính dễ bị tổn thương, rủi ro. Ví dụ, khi xác định mức độ phơi bày của một đối tượng đánh giá, cần xem xét các yếu tố rủi ro chính mà đối tượng đánh giá có khả năng bị ảnh hưởng bởi hiểm họa, như khu vực canh tác/trồng trọt. Khi xác định mức độ nhạy cảm của đối tượng đánh giá sẽ hữu ích khi xem xét các thuộc tính ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm dưới các tác động tiêu cực tiềm tàng, như loại cây trồng được canh tác (Bảng 3).

Bảng 3. Ví dụ về các yếu tố rủi ro liên quan và các chỉ số thành phần khác nhau

Chỉ số

Yếu tố rủi ro

Chỉ số thành phần

Hiểm họa

Lượng mưa

Tổng lượng mưa trong ba tháng liên tiếp

Mức độ phơi bày

Khu vực canh tác/trồng trọt

Diện tích canh tác/trồng trọt theo loại cây trồng

Mức độ nhạy cảm

Loại cây trồng

Phần trăm diện tích canh tác các loại cây nhạy cảm với hạn hán

Khả năng thích ứng

Khả năng chuyển đổi sang cây trồng có khả năng chống chịu

Khả năng tài chính của các hộ nông dân để đầu tư vào các loại cây trồng mới

Các chỉ số thành phần của hiểm họa được xác định bằng cách trả lời các câu hỏi sau: (i) “Những hiểm họa nào có thể ảnh hưởng đến đối tượng đánh giá”; (ii) “Những hiểm họa nào sẽ được lựa chọn để xác định thông tin liên quan cần thiết phục vụ việc đánh giá”.
Các chỉ số thành phần của mức độ phơi bày được xác định bằng cách trả lời các câu hỏi sau: (i) "Ai hoặc cái gì có khả năng bị phơi bày trước hiểm họa và các tác động liên quan là gì"; (ii) "Yếu tố không gian nào góp phần vào mức độ phơi bày". Thông thường cần ít yếu tố để thể hiện chỉ số thành phần của mức độ phơi bày so với với các chỉ số thành phần của hiểm họa hoặc mức độ nhạy cảm trong đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro.
Các chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm được xác định tương tự như cách xác định chỉ số thành phần của mức độ phơi bày. Câu hỏi hướng dẫn là: “Những đặc điểm hoặc thuộc tính hiện có của đối tượng đánh giá khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực đã xác định là gì?”. Những đặc điểm hoặc thuộc tính này có thể là đặc điểm tự nhiên, sinh học, kinh tế - xã hội hoặc các đặc điểm khác (quản lý, hành chính).
Các chỉ số thành phần của khả năng thích ứng được xác định dựa trên các yếu tố: năng lực tổ chức, năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính và các năng lực khác. Tất cả các yếu tố này đều có tiềm năng góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu. Lưu ý, cần tích hợp kiến thức địa phương, thiết lập sự đồng thuận giữa các chuyên gia và các bên liên quan khác trong quá trình xác định khả năng thích ứng. Trong một số trường hợp, việc xác định khả năng thích ứng sẽ cung cấp thông tin có giá trị để phân biệt mức độ dễ bị tổn thương, rủi ro giữa các kịch bản thích ứng, như không thực hiện thích ứng, thích ứng hạn chế dựa trên năng lực hiện tại hoặc tăng cường thích ứng dựa trên khả năng thích ứng bổ sung. Việc so sánh như trên sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp thích ứng trong việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, rủi ro. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trường hợp đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro được thiết kế để hỗ trợ sự phát triển, cũng như giám sát và đánh giá các can thiệp thích ứng.
Bảng 4 cung cấp ví dụ về các chỉ số và chỉ số thành phần của hiểm họa, mức độ phơi bày, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng để xác định tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu.

Bảng 4. Ví dụ về các chỉ số để xác định tính dễ bị tổn thương, rủi ro

Chỉ số

Yếu tố rủi ro

Các chỉ số thành phần

Hiểm họa

Nhiệt độ

Số đêm có nhiệt độ trung bình trên 25°C.

Lượng mưa

Số tháng có lượng mưa dưới 50 mm.

Gió

- Tăng tốc độ gió trung bình;

- Số cơn bão có tốc độ gió trên một mức độ nguy hiểm xác định.

Mức độ phơi bày

Vị trí của cơ sở hạ tầng

Phân bố cơ sở hạ tầng giao thông ở vùng thường xuyên bị lũ lụt, ở vùng có nguy cơ sạt lở đất

Mức độ phơi bày của khu vực canh tác

Phần trăm diện tích canh tác/tổng diện tích.

Mức độ phơi bày của hệ sinh thái

Phân bố của hệ sinh thái, loài ở khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng

Mức độ phơi bày của công nghiệp

- Tỷ lệ phần trăm của các loại hình kinh doanh dễ bị tổn thương ở các khu vực có nguy cơ;

- Diện tích các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng hoặc bão.

Mức độ nhạy cảm

Nhu cầu sử dụng nước

Nhu cầu sử dụng nước trong các giai đoạn phát triển

Các điều kiện về đất

Khả năng giữ nước của đất

Sản xuất công nghiệp

Có hệ thống cảnh báo sớm

Các đối tượng dễ bị tổn thương (dân cư)

Phần trăm dân số dễ bị tổn thương (người già, trẻ em, người làm việc ngoài trời)

Khả năng thích ứng

Năng lực tài chính

Khả năng tài chính để đầu tư vào các loại cây trồng mới, công nghệ…

Năng lực công nghệ

Mức độ sẵn có của các công nghệ thích ứng phù hợp (hệ thống tưới tiêu)

Năng lực tổ chức

Nhu cầu đào tạo trong thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn lực để lập kế hoạch và hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu

3. Lựa chọn chỉ số thành phần của hiểm họa, mức độ phơi bày, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu?

Căn cứ Tiểu mục 2 Mục II Phụ lục I.1 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BTNMT có quy định như sau: 

2. Lựa chọn chỉ số thành phần
Các chỉ số thành phần cần đưa ra cụ thể và được lựa chọn thông qua việc xem xét các yêu cầu sau:
- Phạm vi không gian;
- Phạm vi thời gian;
- Tính đại diện;
- Khả năng lặp lại (để lặp lại các đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro tiếp theo);
- Tính khả thi.
Các chỉ số thành phần cung cấp thông tin về các ngưỡng giới hạn nên được xem xét đưa vào đánh giá. Ví dụ, loại cây trồng cần lượng mưa trung bình năm là 1.000 mm.
Việc lựa chọn các chỉ số thành phần là một quá trình lặp đi lặp lại. Do đó, việc tham vấn chuyên gia hoặc tổ chức các cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến sẽ giúp việc lựa chọn các chỉ số thành phần phù hợp với từng yếu tố dễ bị tổn thương, rủi ro. Trên thực tế, tính sẵn có và chất lượng dữ liệu hoặc các hạn chế về nguồn lực (thời gian và tài chính) có thể hạn chế số lượng các chỉ số thành phần được lựa chọn.
a) Lựa chọn chỉ số thành phần của hiểm họa
Đối với các chỉ số thành phần hiểm họa, thông tin, dữ liệu chủ yếu là các thông số về khí hậu có thể đo lường trực tiếp hoặc được mô hình hóa như nhiệt độ hoặc lượng mưa trung bình. Cần xem xét các loại hiểm họa (lũ lụt, nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, nắng nóng) và bản chất của hiểm họa (cực trị, thay đổi giá trị trung bình hoặc độ biến thiên).
Tùy thuộc vào loại hiểm họa và đối tượng chịu tác động để lựa chọn các chỉ số thành phần phù hợp. Ví dụ, đánh giá rủi ro do thay đổi nhiệt độ tới nông nghiệp, các chỉ số thành phần cơ bản của hiểm họa gồm: sự thay đổi của nhiệt độ trung bình năm; nhiệt độ tối cao; nhiệt độ tối thấp; số ngày nắng nóng trên 35 độ và 37 độ; và số ngày rét đậm và rét hại. Căn cứ vào yêu cầu đánh giá, cần chi tiết không gian đánh giá (cấp tỉnh, huyện, xã hoặc vùng/khu vực…) để lựa chọn chỉ số thành phần hiểm họa cho phù hợp. Ví dụ, yêu cầu đánh giá rủi ro chi tiết đến cấp huyện, thì các chỉ số thành phần của hiểm họa tương ứng phải chi tiết đến cấp huyện.
b) Lựa chọn chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm và mức độ phơi bày
Các chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm và mức độ phơi bày, tốt nhất là thông tin, dữ liệu về đặc điểm tự nhiên, sinh học hoặc kinh tế - xã hội được đo lường trực tiếp hoặc các mô hình như mô hình nhân khẩu học, mô hình thủy văn. Trong nhiều trường hợp, có thể xác định các chỉ số thành phần này dựa trên sự sẵn có của các số liệu thống kê quốc gia, các quan sát trong quá khứ, đánh giá của chuyên gia (thay thế cho dữ liệu số), hoặc kết hợp giữa các cách này. Tùy thuộc vào đối tượng chịu tác động để lựa chọn các chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm, mức độ phơi bày cho phù hợp.
Đối với mức độ nhạy cảm: ví dụ, trong trường hợp đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đến đối tượng dân cư, các chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm thường được lựa chọn là mật độ hoặc tốc độ tăng dân số, tỷ lệ hoặc số lượng người dễ bị tổn thương (phụ nữ, người già, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…).
Đối với mức độ phơi bày: Số liệu chỉ số thành phần của mức độ phơi bày phải thỏa mãn yêu cầu chi tiết không gian trong đánh giá rủi ro. Ví dụ các chỉ số thành phần của mức độ phơi bày cho lĩnh vực nông nghiệp với lũ lụt gồm diện tích đất nông nghiệp bị ngập, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, số lượng gia súc và gia cầm bị ảnh hưởng, tổng chiều dài hệ thống kênh mương bị bị ảnh hưởng do lũ lụt.
c) Lựa chọn chỉ số thành phần của khả năng thích ứng
Các chỉ số thành phần của khả năng thích ứng được xác định bằng phương pháp định tính, định lượng hoặc kết hợp cả 02 phương pháp. Việc xác định khả năng thích ứng cần được thực hiện riêng đối với từng chủ thể thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó cần xem xét các yếu tố: năng lực tổ chức, năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính và các năng lực khác:
- Năng lực tổ chức là mức độ mà một cơ quan, tổ chức có thể đưa yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu vào quá trình ra quyết định và xác định, thực hiện các hoạt động thích ứng có ý nghĩa, đồng thời theo dõi, cập nhật và cải thiện các hoạt động thích ứng theo thời gian. Việc đánh giá năng lực của một cơ quan, tổ chức để đối phó với các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu giúp đánh giá thực tế về rủi ro mà cơ quan, tổ chức đang phải đối mặt và sự cần thiết của việc bổ sung các biện pháp thích ứng. Nội dung này đặc biệt quan trọng trong trường hợp so sánh đối tượng đánh giá có nguy cơ tổn thương, rủi ro (ví dụ, các ngành hoặc vùng/khu vực khác nhau) với các mức độ thích ứng khác nhau.
- Năng lực kỹ thuật là mức độ mà công nghệ hiện có hoặc công nghệ mới có thể góp phần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai. Năng lực kỹ thuật được xem như một thành phần của năng lực tổ chức, nhưng trong một số trường hợp, tốt nhất nên đánh giá một cách riêng biệt. Năng lực kỹ thuật là hệ quả của một số yếu tố, những yếu tố này có thể bao gồm: năng lực phục hồi công nghệ; mức độ mà một công nghệ phụ thuộc vào các công nghệ khác và có thể bị tác động bởi biến đổi khí hậu; mức độ sẵn có và khả thi về kỹ thuật có thể ứng phó làm giảm rủi ro trong tương lai.
- Năng lực tài chính là mức độ có thể huy động các nguồn tài chính để đảm bảo các hành động thích ứng sẽ được xác định, thực hiện và cập nhật theo thời gian. Năng lực tài chính được xem như một bộ phận cấu thành của năng lực tổ chức. Tuy nhiên, năng lực tài chính sẽ rất hữu ích nếu được xác định một cách riêng biệt. Năng lực tài chính là hệ quả của một số yếu tố khác nhau, những yếu tố này có thể bao gồm: mức độ phân bổ đủ ngân sách cho các hành động thích ứng; mức độ đảm bảo sử dụng đủ vốn để thực hiện các hành động thích ứng.

Trân trọng!

Nguyễn Minh Tài

Rủi ro
Hỏi đáp mới nhất về Rủi ro
Hỏi đáp pháp luật
Chuỗi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu được xây dựng như nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Rủi ro
806 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Rủi ro
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào