Quy định về quan điểm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030?

Quan điểm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030? Mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030? Liên quan đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, xin được hỏi về các thông tin trên.

Quan điểm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030?

Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2022 quy định nội dung như sau:

Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển công nghiệp để xây dựng ngành công nghiệp hóa chất với vai trò là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.

b) Chuyển dịch cơ cấu nhằm gia tăng giá trị tăng thêm của sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm; khai thác các lợi thế và cơ hội quốc tế, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và thế giới.

c) Nhận thức đầy đủ, tôn trọng, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với các điều kiện phát triển của đất nước, phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhằm phát huy nội lực, xây dựng năng lực tự chủ của ngành; kết hợp với tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài, cả về thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, mô hình tổ chức hoạt động.

d) Kết hợp hài hòa giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; ứng dụng chuyển đổi số, kỹ thuật số để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất.

đ) Các định hướng, giải pháp phát triển ngành công nghiệp hóa chất phải được thực hiện một cách triệt để, quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền trung ương và địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; gắn với các ưu tiên chiến lược, các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương để tập trung nguồn lực đảm bảo tổ chức triển khai một cách thực chất, hiệu quả; gắn liền với trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đạt mục tiêu đề ra.

Mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030?

Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2022 quy định nội dung như sau:

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2030:

- Xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón...

- Hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất.

- Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.

Đến năm 2040:

Công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4 - 5%.

Trong đó:

Nhóm sản phẩm hóa dầu, hóa dược, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản đạt 10 - 12%/năm giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 2031 - 2040 đạt trung bình 8 - 11%/năm.

Nhóm sản phẩm phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, sản phẩm nguồn điện hóa học, sản phẩm chất tẩy rửa, khí công nghiệp, sản phẩm săm lốp và sơn - mực in đạt 3 - 5%/năm giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2040 đạt trung bình 4 - 6%/năm.

- Đến năm 2030, duy trì mức đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các loại phân bón ure, lân, NPK, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, khí công nghiệp, sơn - mực in thông dụng, chất tẩy rửa, pin thông dụng và phát triển thị trường xuất khẩu. Đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm phân bón sunfat amon. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%.

Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%.

- Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9 - 11%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, giai đoạn 2030 - 2040 tăng trưởng bình quân 7,5 - 9%/năm.

Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2030, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2030 - 2040; hướng đến cán cân thương mại với các đối tác lành mạnh, hợp lý, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Trân trọng!

Lê Bảo Y

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

163 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào