Xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân đang ở nước ngoài là công dân Việt Nam bị mua bán ra nước ngoài

Xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân đang ở nước ngoài là công dân Việt Nam bị mua bán ra nước ngoài được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Hoàng Nam. Tôi đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Để phục vụ cho nhu cầu công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể tôi không biết pháp luật quy định như thế nào về việc xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân đang ở nước ngoài là công dân Việt Nam bị mua bán ra nước ngoài? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (nam***@gmail.com)

Việc xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân đang ở nước ngoài là công dân Việt Nam bị mua bán ra nước ngoài được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Ngoại giao ban hành như sau:

1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước trao đổi hoặc do nạn nhân, người biết việc đến trình báo, thực hiện các công việc sau:

a) Trường hợp có thông tin cho biết nạn nhân chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu xác định nguồn thông tin có căn cứ.

b) Trường hợp nạn nhân đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

- Tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan đến việc nạn nhân bị mua bán và các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh Việt Nam;

- Hướng dẫn nạn nhân kê khai vào Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về (mẫu Tờ khai tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này). Trường hợp nạn nhân là trẻ em hoặc người không có khả năng tự kê khai thì cán bộ tiếp nhận ghi lại theo lời khai của họ;

- Trường hợp đủ căn cứ để xác định là công dân Việt Nam và là nạn nhân thì thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân và phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân; cấp giấy thông hành cho nạn nhân về nước đối với những trường hợp không có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ. Trường hợp chưa đủ cơ sở xác định là công dân Việt Nam hoặc chưa đủ căn cứ xác định là nạn nhân thì trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ khi nhận được thông tin, tài liệu về người khai là nạn nhân, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm gửi văn bản, kèm theo hồ sơ của người đó (gồm Tờ khai có đầy đủ yếu tố nhân sự, các thông tin, tài liệu do phía nước ngoài, tổ chức quốc tế cung cấp hoặc do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu thập được) về Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an để xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều này, đồng gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để phối hợp.

Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy thông hành cho nạn nhân đối với những trường hợp đồng ý nhận trở về mà không có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ. Đối với trường hợp không xác định được nhân thân hoặc không đủ căn cứ xác định là nạn nhân thì giải quyết theo quy định chung của pháp luật Việt Nam và nước sở tại;

- Thực hiện các thủ tục cần thiết (bố trí phương tiện, thị thực xuất cảnh) và phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại, các tổ chức quốc tế (nếu có) để tổ chức cho nạn nhân đã có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ về nước; thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh về phương tiện, thời gian, cửa khẩu nhập cảnh; chi tiết nhân thân, số và loại giấy tờ xuất nhập cảnh của nạn nhân, của nhân viên nước sở tại hoặc tổ chức quốc tế đi cùng nạn nhân (nếu có) trước khi nạn nhân nhập cảnh ít nhất 05 (năm) ngày để tổ chức tiếp nhận theo quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Việc xác minh, xác định nạn nhân của cơ quan chức năng ở trong nước:

a) Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm tổ chức xác minh hoặc chỉ đạo Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan (sau đây gọi tắt là Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh) xác minh, đồng thời gửi văn bản cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an để phối hợp xác minh khi cần thiết.

Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu xác minh, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh báo cáo kết quả xác minh về Cục Quản lý xuất nhập cảnh qua đường điện mật hoặc fax đồng thời gửi bằng văn bản.

b) Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ khi nhận được kết quả xác minh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đồng gửi văn bản cho Cục Lãnh sự để phối hợp.

3. Tổ chức tiếp nhận nạn nhân trở về qua cửa khẩu sân bay quốc tế:

a) Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc tiếp nhận như sau:

- Trước ngày nạn nhân dự kiến nhập cảnh ít nhất 03 (ba) ngày, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo về thời gian, địa điểm, danh sách nạn nhân trở về cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu nạn nhân trở về để phối hợp tiếp nhận;

- Tại cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh: thực hiện việc đối chiếu, kiểm diện và tiếp nhận nạn nhân; ký Biên bản giao, nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về (mẫu Biên bản giao, nhận nạn nhân bị mua bán tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) với cơ quan chức năng nước ngoài (nếu có); làm thủ tục nhập cảnh cho nạn nhân; kiểm tra hồ sơ của nạn nhân do phía nước ngoài bàn giao hoặc đưa cho nạn nhân mang về; nếu chưa có Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về thì hướng dẫn nạn nhân kê khai; cấp Giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân (mẫu Giấy chứng nhận về nước tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này);

- Nếu nạn nhân có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú thì hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, người không có khả năng tự trở về địa phương nơi cư trú thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích của nạn nhân cư trú. Trường hợp nạn nhân không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì bàn giao nạn nhân (kèm theo các giấy tờ có liên quan) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu để giải quyết theo quy định của pháp luật;

- Thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân về cư trú để quản lý, theo dõi.

b) Tại cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh lấy lời khai ban đầu của nạn nhân để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu về tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi mua bán người, phục vụ công tác điều tra, xử lý theo pháp luật.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu sau khi nhận bàn giao nạn nhân từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, có trách nhiệm đưa nạn nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại địa phương mình để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức tiếp nhận nạn nhân trở về qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển:

a) Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo cho Công an cấp tỉnh nơi có cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh chậm nhất là 03 (ba) ngày trước khi nạn nhân dự kiến nhập cảnh để chỉ đạo Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiếp nhận.

b) Công an cấp tỉnh nơi có cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh khi nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm trao đổi, thống nhất kế hoạch tiếp nhận với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh để phối hợp tiếp nhận.

c) Đồn Biên phòng cửa khẩu nơi nạn nhân nhập cảnh chủ trì thực hiện: đối chiếu, kiểm diện nạn nhân; ký Biên bản giao, nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về với cơ quan chức năng nước ngoài; hướng dẫn nạn nhân kê khai vào Tờ khai dành cho nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài và làm thủ tục nhập cảnh cho nạn nhân, sau đó bàn giao nạn nhân cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh (mẫu Biên bản giao, nhận nạn nhân bị mua bán tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này).

d) Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh sau khi nhận bàn giao nạn nhân thì cấp Giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân (mẫu Giấy chứng nhận về nước tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) và phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh lấy lời khai ban đầu của nạn nhân để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu về tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi mua bán người, phục vụ công tác điều tra, xử lý theo pháp luật.

Nếu nạn nhân có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú, thì hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường; trường hợp nạn nhân là trẻ em, người không có khả năng tự trở về địa phương nơi cư trú thì thông báo cho người thân đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân của nạn nhân cư trú; trường hợp nạn nhân không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, hoặc nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì bàn giao nạn nhân (kèm theo các giấy tờ có liên quan) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu tiếp nhận nạn nhân để hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

đ) Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi tiếp nhận nạn nhân sau khi đã thực hiện các thủ tục nêu trên, thông báo cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân về cư trú để quản lý, theo dõi.

e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi nhận bàn giao nạn nhân từ Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh có trách nhiệm đưa nạn nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại địa phương mình để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung quy định về việc xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân đang ở nước ngoài là công dân Việt Nam bị mua bán ra nước ngoài. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
244 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào