Vị thuốc Phụ tử là gì?

Vị thuốc Phụ tử là gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Thị Nguyệt Lan. Tôi đang tìm hiểu các quy định liên quan đến hoạt động chế biến các vị thuốc cổ truyền Việt Nam. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp cho tôi. Cho tôi hỏi, vị thuốc Phụ tử là gì? Vị thuốc này được chế biến như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Nguyễn Thị Nguyệt Lan (nguyetlan*****@gmail.com)

Khái niệm vị thuốc Phụ tử được quy định tại Mục 75 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:

Vị thuốc Phụ tử là rễ củ con (củ nhánh) được thu hái từ cây Ô đầu (Aconitum carmichaelii Debx.) họ Hoàng liên (Ranunculaceae), rửa sạch, để tươi hoặc phơi, sấy khô.

Vị thuốc Phụ tử được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến vị thuốc Hắc phụ tử và phương pháp chế biến vị thuốc Bạch phụ tử. Trong đó:

- Đối với phương pháp chế biến vị thuốc Hắc phụ tử thì để 1,0 kg vị thuốc Hắc phụ tử thì cần 1,0 kg Phụ tử, 400 g Magnesi clorid (MgCl2.6H2O) và 700 ml nước. Theo đó, thực hiện hòa tan magnesi clorid trong nước. Ngâm phụ tử 3-5 ngày đêm trong dung dịch này. Đun sôi với dịch ngâm đến khi chín đều (khoảng 20-30 phút). Thái dọc củ thành phiến dầy 0,2-0,5 cm. Ngâm tiếp với 2 lít nước trong 12 - 14 giờ. Rửa lại bằng nước (3 lần) đến khi còn vị tê nhẹ. Để ráo nước, sấy ở 55 - 60°C đến khi khô se. Tẩm dịch đường đỏ (30 g đường đỏ hòa tan trong 20ml nước sôi). Ủ đến khi thấm hết dịch. Tẩm 15 g dầu hạt cải. Trộn đều, ủ 12 - 14 giờ. Đồ khoảng 20 phút. Lấy ra, sấy đến khi khô kiệt. Để nguội, đóng gói. Hắc phụ tử có mặt phiến nhẵn bóng, màu nâu xám. Xung quanh phiến có màu nâu đen của vỏ củ. Vị mặn đặc trưng của muối Magne clorid, vị tê nhẹ hoặc không tê.

- Đối với phương pháp chế biến vị thuốc Bạch phụ tử thì để chế biến 1,0 kg vị thuốc Bạch phụ tử thì cần 1,0 kg Phụ tử, 350 g muối ăn và 2000 ml nước. Theo đó, thực hiện hòa tan hoàn toàn muối ăn trong nước. Ngâm phụ tử trong 10-12 ngày đến khi nước thấm đều vào bên trong củ (không còn nhân trắng đục). Rửa sạch, nấu sôi với 1000 ml nước. Vớt ra, thái dọc củ thành phiến dầy 0,2-0,3 cm. Ngâm với 1500 ml nước trong 12 - 14 giờ. Rửa bằng nước đến khi còn vị tê nhẹ hoặc không tê. Sấy ở 60 °C đến khô kiệt. Để nguội, đóng gói. Bạch phụ tử có mặt phiến màu trắng hoặc trắng ngà. Xung quang phiến có màu nâu đen của vỏ củ. Vị mặn đặc trưng của muối NaCl, vị tê nhẹ hoặc không tê.

Vị thuốc Phụ tử có vị cay, đắng; tính đại nhiệt, có độc. Quy kinh 12 kinh. Có công năng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa, trừ phong thấp và được dùng để chủ trị các bệnh về chứng thoát dương (trụy tim mạch cấp); hỏa hư, dương hư gây nên: toàn thân lạnh, sợ lạnh; choáng váng, đau đầu; đau mỏi lưng, gối, khớp xương.

Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Phụ tử. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
381 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào