Quy định việc tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm của cơ quan hải quan

Quy định việc tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm của cơ quan hải quan? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Thanh Hiền. Tôi đang làm việc tại cơ quan hải quan ở Cần Thơ. Vì tính chất công việc có liên quan đến một số thủ tục hành chính. Nhưng có một số quy định tôi vẫn chưa nắm rõ lắm, tôi mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi, cụ thể việc tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm của cơ quan hải quan được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! (hien***@gmail.com)

Việc tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm của cơ quan hải quan được quy định tại Mục 2 Phần II Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia thủ tục hành chính tại Tòa án của cơ quan hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:

1. Có mặt tại phiên tòa sơ thẩm

a) Đại diện cơ quan Hải quan với tư cách là đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm theo giấy triệu tập của Tòa án.

b) Trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử sẽ hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

c) Trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người đại diện tham gia phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn xét xử vắng mặt.

2. Trình tự, thủ tục tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm

Phiên tòa hành chính sơ thẩm được tiến hành theo các bước cụ thể như sau:

a) Thủ tục bắt đầu phiên tòa: khai mạc phiên tòa; giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng; hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu;

b) Tranh tụng tại phiên tòa: trình bày của đương sự; hỏi tại phiên tòa; công bố các tài liệu của của vụ án; xem xét vật chứng; hỏi người giám định; tranh luận tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nghị án; ra quyết định hoặc bản án sơ thẩm; Hội đồng xét xử tuyên án.

2. Tham gia thủ tục khai mạc phiên tòa

a) Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, đại diện cơ quan Hải quan được Hội đồng xét xử yêu cầu trả lời về những câu hỏi có liên quan đến lý lịch của mình, nghe giải thích về quyền, nghĩa vụ của các bên đương sự tại phiên tòa.

b) Trường hợp cơ quan Hải quan phát hiện người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch vi phạm các quy định tại các Điều 45, 46, 47, khoản 3 Điều 63 và khoản 3 Điều 64 Luật TTHC hoặc có căn cứ rõ ràng cho rằng họ không vô tư trong khi làm nhiệm vụ thì có quyền yêu cầu thay đổi những người đó để Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

3. Tham gia tranh tụng tại phiên tòa

Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc những người tham gia tố tụng trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án để bảo vệ quan điểm của mình.

a) Trình bày ý kiến của đương sự

a.1) Hội đồng xét xử tóm tắt nội dung yêu cầu của đương sự, thông báo kết luận tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, những vấn đề cần tranh tụng, yêu cầu đương sự trình bày vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn theo trình tự: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày trước, người khởi kiện bổ sung ý kiến; tiếp theo là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện trình bày, người bị kiện bổ sung ý kiến; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bổ sung ý kiến.

a.2) Trường hợp người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ tự trình bày.

a.3) Khi trình bày ý kiến của mình, cơ quan Hải quan cần căn cứ những tài liệu, chứng cứ của hồ sơ vụ việc đã được Tòa án kiểm tra, căn cứ nội dung khởi kiện và yêu cầu của người khởi kiện để nêu rõ ý kiến của mình đối với yêu cầu, đề nghị của người khởi kiện; yêu cầu, đề nghị của mình và các chứng cứ chính xác, sát thực, phù hợp với quy định của pháp luật để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Việc trình bày tại phiên tòa phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu, tránh sử dụng câu từ trìu tượng, ngôn ngữ đời thường.

a.4) Cơ quan Hải quan cần phân công công chức theo dõi, ghi chép đầy đủ lời trình bày của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để phát hiện những tình tiết có sự mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế khách quan hoặc các chứng cứ khác của vụ án, những tình tiết chưa được làm rõ để điều chỉnh đề cương cho phần hỏi và chuẩn bị những câu hỏi mới.

b) Tham gia hỏi tại phiên tòa

b.1) Theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa thứ tự hỏi của từng người được thực hiện như sau:

- Người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hỏi trước, tiếp đến là người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Người tham gia tố tụng khác;

- Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân;

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

b.2) Khi thực hiện quyền hỏi cần chú ý một số nội dung cụ thể sau:

- Cần đặt những câu hỏi sắc bén, tập trung vào những vấn đề quan trọng của vụ án nhưng chưa được làm rõ, xoáy sâu vào những mâu thuẫn sao cho cho sự trả lời của người được hỏi sẽ có lợi cho mình. Câu hỏi phải rõ ràng, ngắn gọn, chính xác và không làm cho người được hỏi hiểu theo nhiều nghĩa. Tránh việc đặt câu hỏi quá chung chung, dài dòng hoặc không rõ đó là câu hỏi hay câu giải thích.

- Chỉ hỏi những vấn đề người được hỏi trình bày chưa rõ hoặc chưa đầy đủ, có mâu thuẫn với nhau hoặc có mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của mình (người bị kiện), người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này;

- Chỉ được hỏi người làm chứng sau khi được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa;

- Khi hỏi người giám định, cơ quan Hải quan cần đưa ra những nhận xét về kết quả giám định, hỏi về những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết quả giám định với chứng cứ của vụ án. Cơ quan Hải quan có quyền yêu cầu Tòa giám định bổ sung hoặc giám định lại trong trường hợp không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa.

b.3) Khi bị hỏi cần chú ý:

- Trả lời rõ ràng, chuẩn xác đúng yêu cầu câu hỏi, đặc biệt là trình bày một cách có hệ thống các ý kiến của mình, đưa ra lời trình bày, ý kiến, các tài liệu chứng cứ thống nhất với phần trình bày của mình trước đó.

- Các bên chỉ được hỏi cơ quan Hải quan các vấn đề mà cơ quan Hải quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này. Vì vậy, đại diện cơ quan Hải quan cần xem xét kỹ các ý kiến về nội dung mâu thuẫn, ghi chép nhanh các ý kiến phát biểu để trả lời, đồng thời đánh giá cụ thể nội dung khởi kiện và vấn đề liên quan để chuẩn bị cho phần tranh luận, đối đáp bảo vệ quan điểm của mình.

b.4) Cơ quan có thể yêu cầu Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án, cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu lưu trữ âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa nếu thấy cần thiết.

b.5) Khi Hội đồng xét xử kết thúc việc hỏi, đại diện cơ quan Hải quan, Kiểm sát viên, các đương sự khác, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác có quyền yêu cầu hỏi thêm; nếu xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ thì Chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc hỏi.

c) Tham gia tranh luận tại phiên tòa

c.1) Việc tranh luận, đối đáp tại phiên tòa diễn ra dưới sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. Trình tự tiến hành tranh luận được thực hiện theo thứ tự: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày, người khởi kiện bổ sung ý kiến; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện, tranh luận đối đáp, người bị kiện bổ sung ý kiến; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bổ sung ý kiến.

c.2) Khi tranh luận cơ quan Hải quan cần căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và kết quả việc hỏi tại phiên tòa để đưa ra các lập luận, căn cứ pháp luật phản bác lại ý kiến của người khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đáp lại ý kiến người khác, nêu các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính là đúng pháp luật.

c.3) Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Cơ quan Hải quan cần chú ý nghe quan điểm của Kiểm sát viên vì đây là một trong những nội dung, căn cứ mà Hội đồng xét xử có thể xem xét để ra bản án, quyết định.

d) Trong quá trình xét xử các bên đương sự có quyền đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên đương sự tự đối thoại nhằm mục đích thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án.

đ) Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án đề nghị án.

Qua tranh luận hoặc qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xét hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.

4. Tuyên án

Khi nghị án xong, Hội đồng xét xử quay trở lại phòng xử án và làm thủ tục tuyên án.

Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án có mặt các đương sự. Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt theo quy định tại Khoản 5, Điều 191 Luật TTHC thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án. Trường hợp xử kín theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Luật TTHC thì Hội đồng xét xử chỉ tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án.

Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án và có thể giải thích thêm về việc thi hành bản án và quyền kháng cáo.

5. Thủ tục sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm

a) Cơ quan Hải quan được xem biên bản phiên tòa, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận.

b.2) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, cơ quan Hải quan được Tòa án cấp trích lục bản án. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải cấp, gửi bản án cho cơ quan Hải quan, các đương sự khác và Viện kiểm sát cùng cấp.

b.3) Khi nhận được bản án sơ thẩm, nếu thấy phán quyết trong bản án, quyết định của Tòa án không đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước về hải quan thì cơ quan Hải quan có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm lên Tòa án cấp phúc thẩm theo hướng dẫn tại Khoản 1, Mục III, Phần này; có văn bản đề nghị Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm (nếu thấy cần thiết).

Trường hợp xác định bản án, quyết định của Tòa sơ thẩm là đúng quy định pháp luật thì tổ chức thực hiện khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc tham gia phiên tòa hành chính sơ thẩm của cơ quan hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017.

Trân trọng!

Hải quan
Hỏi đáp mới nhất về Hải quan
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan mới nhất 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu số 15a báo cáo quyết toán hải quan theo Thông tư 39?
Hỏi đáp Pháp luật
Thành viên Đoàn kiểm tra vi phạm nghiệp vụ trong ngành Hải quan được quyền giám sát tại các địa điểm nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Hỏi đáp Pháp luật
Hàng hóa xuất khẩu được miễn thu phí hải quan trong trường hợp nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Thông tin hải quan là gì? Có mấy loại thông tin hải quan?
Hỏi đáp Pháp luật
Năm 2024, nhân viên hải quan có được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề hay không?
Hỏi đáp Pháp luật
Huấn luyện viên chó nghiệp vụ ngành Hải quan thực hiện nhiệm vụ gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Niêm phong kẹp chì là gì? Ai có quyền xử lý công chức hải quan khi thực hiện niêm phong kẹp chì cho thông quan đối với xe quá khổ quá tải?
Hỏi đáp Pháp luật
Doanh nghiệp được miễn bảo lãnh nhiều hành trình thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN nếu đáp ứng các điều kiện gì?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Hải quan
Thư Viện Pháp Luật
166 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Hải quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào