Bán hàng nhà làm không nhãn mác bị xử phạt thế nào?

Bán hàng nhà làm không nhãn mác bị xử phạt thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Hữu Anh, cán bộ hưu trí đang cư trú tại Đồng Nai. Trong thời gian ở nhà, tôi thấy khu vực xung quanh địa bàn tôi sinh sống có nhiều hộ gia đình mở quán bán các loại thức uống như trà sữa, sinh tố do nhà tự làm. Tôi thắc mắc những hộ gia đình này sản xuất các sản phẩm trên để bán thì có phải đăng ký theo quy định pháp luật hay không thì được một chị hàng xóm cho hay : " Nhà em kinh doanh nhỏ lẻ nên không cần phải làm mấy cái thủ tục đó đâu bác. Chủ yếu sản phẩm cũng bán cho người quen, chẳng cần nhãn mác gì đâu". Tuy nhiên, tôi thấy tình trạng người người bán hàng, nhà nhà bán hàng mà hiện nay các sản phẩm tự nhà làm còn rất phổ biến trên thị trường, nếu vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm được đăng ký nhãn mác, kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Vậy, cho tôi hỏi, hiện nay, pháp luật có quy định chế tài xử phạt nào đối với hành vi bán hàng nhà làm mà không có nhãn mác hay không? Tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được hỗ trợ từ các bạn! Xin chân thành cảm ơn!  Trần Hữu Anh (0903****)

Vấn đề xử phạt đối với hành vi bán hàng nhà làm không có nhãn mác được quy định tại Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó: 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

a) Hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa;

b) Hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng không ghi nhãn hàng hóa;

c) Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo;

d) Hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa.

2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:

a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa theo đúng quy định đối với vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Căn cứ đưa ra các mức xử phạt như trên dựa theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CPnhãn hàng hóa. Cụ thể là ngoại trừ những hàng hóa như: Bất động sản; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng;  hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa;... còn lại thì tất cả hàng hóa còn lại bắt buộc phải có nhãn hàng hóa.

Như vậy, đối với các trường hợp sản xuất, lưu thông các sản phẩm nhà làm như các loại trà sữa, những đồ ăn, thức uống đã qua chế biến...mà không có nhãn hàng hóa như bạn đề cập ở trên đã vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa và có thể bị xử phạt theo quy định trên đây tùy theo giá trị của từng loại hàng hóa.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc xử phạt đối với các hàng hóa nhà làm không có nhãn mác theo quy định pháp luật. Để hiểu rõ hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 80/2013/NĐ-CP và Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

128 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào