Trách nhiệm bồi thường khi làm đổ xe vôi xuống ao làm cá chết

Trách nhiệm bồi thường khi làm đổ xe vôi xuống ao làm cá chết. Ngày 01/02/2010, ông A ký hợp đồng mua 3 tấn vôi cụ của Công Ty vôi X. theo thỏa thuận, ông A phải tự chở số vôi đó về nhà. Do đó, ông A đã thuê anh B chở số vôi đó về nhà. Để đảm bảo an toàn, anh B đã phủ bạt che rất cẩn thận. Tuy nhiên trên đường chở vôi về nhà ông A, xe anh B bị nổ lốp nên bị đổ ngang đường, làm thùng xe bị lật và toàn bộ số vôi đó rơi xuống ao cá nhà ông C. Ao cá nhà ông C bị chết hàng loạt. Trước sự việc đó, ông C yêu cầu anh B phải bồi thường thiệt hại đối với số cá bị chết và yêu cầu dọn toàn bộ số vôi trong ao nhà ông C đi. Anh B không đồng ý vì cho rằng số vôi đó là của ông A và do xe của anh bị hỏng đột ngột chứ anh không có lỗi trong việc gây thiệt hại. Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường các loại thiệt hại, nếu ông A đã thanh toán tiền vận chuyển cho anh B thì anh B có phải trả lại số tiền đó cho ông A không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.

Bên vận chuyển có các quyền và nghĩa vụ theo Điều 534, Điều 535 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Quyền bên vận chuyển:

1. Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác.

2. Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng.

3. Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.

4. Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.

Nghĩa vụ bên vận chuyển:

1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.

2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.

3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Bên thuê vận chuyển có quyền và nghĩa vụ theo Điều 536, Điều 537 Bộ luật dân sự 2015 sau:

Quyền bên thuê vận chuyển:

1. Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận.

2. Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.

Nghĩa vụ bên thuê vận chuyển:

1. Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận.

2. Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển.

3. Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.

Như vậy, khi đã giao tài sản cho bên vận chuyển để thực hiện vận chuyển theo hợp đồng thì bên vận chuyển có nghĩa vụ bảo đảm giữ gìn tài sản và có trách nhiệm với bên thứ ba nếu xảy ra thiệt hại nếu không có thỏa thuận khác trong hợp đồng hoặc do lỗi bên thuê vận chuyển theo khoản 2 Điều 541 Bộ luật dân sự 2015:

2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

Trong trường hợp này, nếu bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển không thỏa thuận về bồi thường thiệt hại cho bên thứ 3 trong hợp đồng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về:

+ Bên thuê vận chuyển: do hàng hóa là vôi và không được bên thuê vận chuyển đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

+ Bên vận chuyển: Nếu bên vận chuyển không chứng minh được thiệt hại gây ra là do tình huống bất khả kháng theo Khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015:

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bên vận chuyển phải bồi thường cho bên thuê vận chuyển khi gây ra thiệt hại về tài sản dẫn đến tài sản bị mất, bị hư hỏng mà không rơi vào trường hợp bất khả kháng (không có thỏa thuận khác trong hợp đồng).

Thiệt hại ở đây là thiệt hại về tài sản theo Điều 589 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:

- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Nếu bên A đã  trả tiền cho Bên B thì không phải trả tiền lại cho bên A do đó là phí vận chuyển. Nhưng nếu bên B gây thiệt hại về tài sản cho bên A trong quá trình vận chuyển và không rơi vào trường hợp bất khả kháng, không thỏa thuận khác trong hợp đồng thì bên B phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên A.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm bồi thường khi làm đổ xe vôi xuống ao làm cá chết. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
151 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào