Quy định về phần mềm ứng dụng Internet Banking trên thiết bị di động từ ngày 01/07/2017

Quy định về phần mềm ứng dụng Internet Banking trên thiết bị di động từ ngày 01/07/2017. Tôi mới có điều kiện sử dụng dịch vụ Internet Banking thời gian gần đây nên rất quan tâm tới vấn đề này. Cho tôi hỏi pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn! Nguyễn Tuấn Tú, địa chỉ mail tuantu098****@gmail.com.

Phần mềm ứng dụng Internet Banking trên thiết bị di động được hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/07/2017)

Theo đó, phần mềm ứng dụng Internet Banking trên thiết bị di động do đơn vị cung cấp phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại Điều 7 Thông tư này (trích bên dưới) và các yêu cầu sau:

1. Đơn vị phải chỉ rõ đường dẫn trên website hoặc kho ứng dụng để khách hàng tải và cài đặt phần mềm ứng dụng Internet Banking trên thiết bị di động.

2. Phần mềm ứng dụng phải được áp dụng các biện pháp bảo vệ để hạn chế dịch ngược.

3. Phần mềm ứng dụng phải xác thực người dùng khi truy cập. Trường hợp xác thực sai liên tiếp quá số lần do đơn vị quy định, nhưng không được quá năm lần, phần mềm ứng dụng phải tự động khoá tạm thời không cho khách hàng tiếp tục sử dụng.

"Điều 7: Phần mềm ứng dụng Internet Banking

1. Các yêu cầu an toàn, bảo mật phải được xác định trước và tổ chức, triển khai trong quá trình phát triển phần mềm ứng dụng: phân tích, thiết kế, kiểm thử, vận hành chính thức và bảo trì. Các tài liệu về an toàn, bảo mật của phần mềm phải được hệ thống hóa và lưu trữ, sử dụng theo chế độ “Mật”.

2. Đơn vị phải kiểm soát mã nguồn phần mềm với các yêu cầu tối thiểu:

a) Kiểm tra mã nguồn, nhằm loại trừ các đoạn mã độc hại, các lỗ hổng bảo mật;

b) Chỉ định cụ thể các cá nhân quản lý mã nguồn của phần mềm ứng dụng Internet Banking;

c) Việc truy cập tới mã nguồn phải được người có thẩm quyền phê duyệt và được theo dõi, ghi nhật ký;

d) Mã nguồn phải được lưu trữ an toàn tại ít nhất hai địa điểm tách biệt;

đ) Trường hợp không được bàn giao mã nguồn, khi ký hợp đồng hoặc nghiệm thu hợp đồng, đơn vị phải yêu cầu bên cung cấp ký cam kết không có các đoạn mã độc hại trong phần mềm ứng dụng mua ngoài.

3. Đơn vị phải kiểm tra thử nghiệm phần mềm ứng dụng Internet Banking đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

a) Lập và phê duyệt kế hoạch, kịch bản thử nghiệm phần mềm ứng dụng Internet Banking, trong đó nêu rõ các điều kiện về tính an toàn, bảo mật phải được đáp ứng;

b) Phát hiện và loại trừ các lỗi, các gian lận có thể xảy ra khi nhập số liệu đầu vào;

c) Đánh giá, dò quét phát hiện lỗ hổng, điểm yếu về mặt kỹ thuật. Đánh giá khả năng phòng chống các kiểu tấn công: Injection (SQL, Xpath, LDAP…), Cross-site Scripting (XSS), Cross-site Request Forgery (XSRF), Brute-Force;

d) Ghi lại các lỗi và quá trình xử lý lỗi, đặc biệt là các lỗi về an toàn, bảo mật trong các báo cáo về kiểm tra thử nghiệm;

đ) Kiểm tra thử nghiệm các tính năng an toàn, bảo mật phải được thực hiện trên các trình duyệt (ứng dụng web) và phiên bản phần mềm hệ thống của thiết bị di động (ứng dụng mobile); có cơ chế kiểm tra, thông báo cho người dùng chạy ứng dụng trên các trình duyệt, phiên bản phần mềm hệ thống đã được kiểm tra và thử nghiệm an toàn;

e) Việc sử dụng dữ liệu trong quá trình thử nghiệm phải có biện pháp phòng ngừa tránh bị lợi dụng hoặc gây nhầm lẫn.

4. Trước khi triển khai phần mềm ứng dụng mới, đơn vị phải đánh giá những rủi ro của quá trình triển khai đối với hoạt động nghiệp vụ, các hệ thống công nghệ thông tin liên quan và lập, triển khai các phương án hạn chế, khắc phục rủi ro.

5. Đơn vị thực hiện quản lý, thay đổi và nâng cấp phiên bản phần mềm ứng dụng đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Phân tích đánh giá ảnh hưởng của việc thay đổi đối với hệ thống hiện tại và các hệ thống có liên quan khác của đơn vị cho mỗi yêu cầu thay đổi phần mềm ứng dụng;

b) Các phiên bản phần mềm bao gồm cả mã nguồn cần được quản lý tập trung, lưu trữ, bảo mật và có cơ chế phân quyền cho từng thành viên trong việc thao tác với các tập tin;

c) Thông tin về các phiên bản, thời gian cập nhật, người cập nhật các phiên bản phải được lưu lại;

d) Mỗi phiên bản được nâng cấp phải được kiểm tra thử nghiệm các tính năng an toàn, bảo mật, mức độ rủi ro và tính ổn định trước khi triển khai chính thức;

đ) Việc nâng cấp phiên bản phải căn cứ trên kết quả thử nghiệm và được người có thẩm quyền phê duyệt;

e) Các phiên bản phần mềm ứng dụng sau khi thử nghiệm thành công phải được quản lý chặt chẽ; tránh bị sửa đổi trái phép và sẵn sàng cho việc triển khai;

g) Có các chỉ dẫn rõ ràng về nội dung thay đổi, hướng dẫn cập nhật phần mềm ứng dụng, các thông tin liên quan khác và phải được người có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai phiên bản mới cho khách hàng.

6. Các tính năng bắt buộc của phần mềm ứng dụng:

a) Toàn bộ dữ liệu khi truyền trên môi trường mạng Internet được áp dụng cơ chế mã hóa điểm đầu đến điểm cuối;

b) Đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu giao dịch, mọi sửa đổi bất hợp pháp phải được phát hiện trong quá trình xử lý giao dịch, lưu trữ dữ liệu;

c) Có cơ chế kiểm soát phiên giao dịch và thời gian truy cập website, ứng dụng. Trường hợp người sử dụng không thao tác trong một khoảng thời gian do đơn vị quy định nhưng không quá năm phút, hệ thống tự động ngắt phiên giao dịch hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ khác;

d) Có chức năng che giấu đối với việc hiển thị các mã khóa bí mật dùng để đăng nhập vào hệ thống;

đ) Đối với khách hàng là tổ chức, phần mềm ứng dụng được thiết kế để đảm bảo việc thực hiện giao dịch bao gồm tối thiểu hai bước: tạo, phê duyệt giao dịch và được thực hiện bởi tối thiểu hai người khác nhau."

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về phần mềm ứng dụng Internet Banking trên thiết bị di động năm 2017, được quy định tại Thông tư 35/2016/TT-NHNN. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
248 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào