Điều kiện mở cửa hàng bán sữa

Em mới mở cửa hàng bán sữa, em muốn hỏi anh chị lĩnh vực kinh doanh sữa có yêu cầu riêng gì so với mặt hàng bánh kẹo tạp hóa không ạ? Từ khi mở cửa hàng đến hạn cuối cùng làm giấy phép kinh doanh là bao lâu? Nếu có quản lý thị trường kiểm tra thì em cần phải có những giấy tờ gì? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Trong trường hợp này, theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm 2010, kinh doanh sản phẩm sữa là loại hình kinh doanh có điều kiện. Tức là phải đủ các điều kiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phép hoạt động kinh doanh. Cụ thể là các điều kiện về an toàn thực phẩm đối với cơ sở, điều kiện về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm.

Theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm 2010:

- Nếu chỉ là sản phẩm sữa chế biến bao gói sẵn không yêu cầu bảo quản đặc biệt thì không cần phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 12 Nghị định 38/2012/NĐ-CP)

- Là sản phẩm sữa chế biến yêu cầu bảo quản đặc biệt thì Bộ Công Thương quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Khoản 3, Điều 63 Luật an toàn thực phẩm 2010.

- Là sản phẩm sữa bổ sung vi chất sinh dưỡng, sữa công thức thì Bộ Y tế quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Khoản 2, Điều 64 Luật an toàn thực phẩm 2010.

Theo quy định thì để thực hiện hoạt động kinh doanh thì phải xin giấy phép kinh doanh trước. Nhưng nếu bạn mở cửa hàng kinh doanh rồi mà chưa được cấp giấy phép kinh doanh thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP.

Theo quy định tại Pháp lệnh quản lý thị trường 11/2016/PL-UBTVQH, khi cơ quan quản lý thị trường đến kiểm tra thì cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm như sau:

Điều 31. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra

1. Nghiêm chỉnh chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Trường hợp tổ chức, cá nhân từ chối việc kiểm tra thì phải có văn bản giải trình, đồng thời cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc kiểm tra là không đúng quy định của Pháp lệnh này, pháp luật có liên quan.

2. Trực tiếp làm việc hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc với cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính.

3. Cung cấp kịp thời giấy tờ, tài liệu, sổ sách, chứng từ liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các giấy tờ, tài liệu, chứng từ, sổ sách đã cung cấp.

4. Chấp hành việc kiểm tra, tạm giữ hàng hóa, tang vật, giấy tờ, phương tiện, dụng cụ sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại nơi sản xuất, bày bán, lưu giữ hàng hóa theo yêu cầu kiểm tra, tạm giữ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Giải trình kịp thời, đầy đủ, đúng sự thật về các nội dung kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền.

6. Không được trốn tránh, cản trở, trì hoãn, chống đối việc kiểm tra hợp pháp hoặc đe dọa, lăng mạ, dụ dỗ, mua chuộc, hối lộ dưới mọi hình thức đối với thành viên Đoàn kiểm tra.

Như vậy, nếu cơ quan quản lý thị trường đến kiểm tra về hoạt động kinh doanh thì bạn phải cung cấp kịp thời các giấy tờ về đăng ký kinh doanh của cửa hàng bạn.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về điều kiện mở cửa hàng bán sữa. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật an toàn thực phẩm 2010 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
268 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào