Đăng ký quyền sử dụng đối với mảnh đất đã sử dụng hợp pháp 50 năm

Tôi muốn hỏi 1 vấn đề như sau: từ năm 1959, mẹ tôi về làm dâu, ba mẹ tôi đã phải gánh vác tất cả mọi chuyện trong gia đình nhà chồng (nuôi mẹ già và các em chồng). Ba tôi gom hết tiền làm đưa cho bà nội để mua miếng đất sinh sống. Các cô chú được dựng vợ gả chồng đều đã có cơ ngơi riêng. Năm 1978 ba tôi qua đời; đến năm 1981 bà nội tôi qua đời. Các cô chú sợ mẹ tôi lấy chồng khác nên đã ra chính quyền và nói rằng nhà này của bà nội tôi và lâu lâu lại muốn đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà. Vậy, chúng tôi muốn hỏi mẹ chúng tôi sống trên mảnh đất này trên 50 năm có được hợp thức hóa không? Chúng tôi muốn làm thủ tục để đăng ký quyền sử dụng đất tên mẹ tôi có được không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn.

Bạn nói rằng mảnh đất là do ba và bà nội góp sức mua để sinh sống nhưng không rõ giấy tờ về quyền sử dụng đất mang tên ai? Và khi ba và bà nội bạn mất thì có để lại giấy tờ gì về việc để lại tài sản cho ai không? Mẹ bạn hiện nay có giấy tờ gì về tài sản đó hay không? Có thể có mấy trường hợp tham khảo dưới đây:

1. Giấy tờ về tài sản mang tên bà nội bạn

Nếu giấy tờ về quyền sử dụng đất (như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ khác theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013) mang tên bà nội bạn thì mảnh đất đó thuộc quyền sử dụng của bà nội bạn.

Trước khi bà bạn chết nếu bà không viết giấy tặng cho hay di chúc để lại tài sản cho bất kỳ ai thì khi bà chết, tài sản trở thành di sản thừa kế và được chia cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Những người thừa kế được hưởng di sản của bà căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”; gồm có: các cô các chú của bạn. Đối với trường hợp của bố bạn thì do bố bạn đã chết trước bà nội nên phần di sản mà bố bạn được hưởng nếu còn sống sẽ được chia cho các con của bố bạn (là các anh chị em bạn) theo quy định về thừa kế thế vị tại Điều 677 Bộ luật Dân sự 2005: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Như vậy, những người thừa kế nêu trên mới có quyền làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và đăng ký quyền sử dụng đối với mảnh đất do bà nội bạn để lại.

2. Giấy tờ về tài sản mang tên bố bạn

Nếu giấy tờ về quyền sử dụng đất (như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ khác theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai) mang tên ba bạn thì mảnh đất đó thuộc quyền sử dụng của Ba bạn. Khi ba bạn mất thì di sản là quyền sử dụng đất đó được chia cho các thừa kế theo di chúc (nếu ba bạn để lại di chúc) hoặc chia theo pháp luật (nếu không có di chúc).

Người thừa kế theo pháp luật cũng xác định theo điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự như nêu trên; gồm: bà nội, mẹ bạn, các anh chị em bạn. Vì bà nội bạn đã chết (chết sau ba bạn) nên phần di sản mà bà được hưởng được chia cho những người thừa kế của bà (như đã nêu trên, trong đó có các cô chú của bạn).

Như vậy, những người có quyền khai nhận, phân chia di sản thừa kế do bố bạn để lại và đăng ký quyền sử dụng đối với mảnh đất đó bao gồm cả mẹ con bạn và các cô chú của bạn (phần của các cô chú là phần nhỏ trong phần di sản của bà nội được hưởng).

3. Trường hợp mảnh đất không có bất kỳ loại giấy tờ nào chứng minh quyền sử dụng

Trong trường hợp này sẽ khó để xác định tài sản thuộc quyền sử dụng của ai nhưng theo Khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai có quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.

Theo quy định trên thì mẹ con bạn đáp ứng được điều kiện: sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 nhưng việc xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp nhưng lại gặp vướng mắc do sự tranh chấp của các cô chú bạn. Việc mẹ con bạn đăng ký quyền sử dụng đất trong trường hợp này sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Trên đây là ba trường hợp có thể để bạn tham khảo. Tuy nhiên trên đây chỉ là quy định của pháp luật, còn trên thực tế thì sẽ khó khăn và phức tạp hơn, do có liên quan đến lợi ích của nhiều người. Hơn nữa, quyền sử dụng đất đó đang có tranh chấp nên việc đăng ký quyền sử dụng tại cơ quan có thẩm quyền càng khó khăn hơn. Vậy bạn có thể đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền về nhà đất để tìm hiểu và có hướng giải quyết căn cứ vào tình hình thực tiễn của gia đình mình.

Trên đây là tư vấn về đăng ký quyền sử dụng đối với mảnh đất đã sử dụng hợp pháp 50 năm. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Đất đai 2013 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

131 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào