Chuyển hộ khẩu thường trú và chuyển quyền sở hữu nhà

Tôi có hộ khẩu ở nhà cha mẹ, hiện tôi đang đứng tên chủ sở hữu một căn nhà khác. Nếu tôi để một người thân đứng tên làm chủ hộ và đăng ký nơi thường trú tại ngôi nhà đó được không? Hiện người đó đang có hộ khẩu ở nhà một người chị và hộ khẩu hiện bị thất lạc. Vậy thủ tục như thế nào. Sau này tôi muốn chuyển nhượng căn nhà đó dưới hình thức tặng cho người này thì như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!

1. Việc người quen của bạn nhập khẩu vào ngôi nhà bạn đứng tên chủ sở hữu

Điều 3Luật Cư trú quy định: Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.

Khoản 1 Điều 9 Luật Cư trú cũng nêu rõ: Công dân có quyền lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo quy định nêu trên thì người quen của bạn có quyền lựa chọn nơi thường trú của mình, có thể là thường trú tại ngôi nhà của bạn nếu có sự đồng ý của bạn. Khi đăng ký hộ khẩu thường trú tại ngôi nhà của bạn, người quen bạn phải tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện thường trú, cụ thể như sau:

“Điều 19 Luật Cư trú Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh:

Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.”

“Điều 20 Luật Cư trú Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”.

Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn/01 người (theo Điều 4 Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 sửa đổi bổ sung Nghị định số 107/2007/NĐ-CP).Khi đăng ký hộ khẩu thường trú, người đăng ký phải có giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp của mình theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010:

“Điều 5. Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp

1. Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ sau đây:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);

- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);

- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);

- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;

- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên; 

- Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.

b) Giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã). Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong hợp đồng phải ghi rõ diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ;

c) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo về việc công dân có chỗ ở thuộc trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 26 của Luật Cư trú;

d) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức) hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã là nhà ở đó không có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng.

3. Trong trường hợp các văn bản pháp luật về nhà ở có thay đổi thì Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể các giấy tờ khác chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú phù hợp với văn bản pháp luật đó”.

Đối chiếu với quy định nêu trên, khi người quen của bạn muốn đăng ký thường trú tại địa chỉ là ngôi nhà mà bạn sở hữu thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, gồm:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mang tên bạn;

- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà giữa bạn và người quen (có công chứng, chứng thực).

Thủ tục đăng ký thường trú (Điều 21 Luật Cư trú):

* Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

- Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

* Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

-Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

* Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý: Trường hợp mất sổ hộ khẩu.

Khoản 2 Điều 24 Luật Cư trú quy định: “Sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại”.

Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú cũng nêu rõ: “Trường hợp sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Sổ hộ khẩu được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ hộ khẩu đã cấp.

Hồ sơ đổi, cấp lại sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

b) Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp đổi sổ hộ khẩu do bị hư hỏng) hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với trường hợp đổi từ mẫu sổ cũ đổi sang mẫu sổ mới).

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú phải đổi, cấp lại sổ hộ khẩu.”.

2. Việc bạn chuyển nhà cho người quen dưới hình thức tặng cho tài sản.

Bạn có thể chuyển quyền sở hữu nhà ở cho người quen dưới hình thức mua bán hoặc tặng cho tài sản. Khi lựa chọn hình thức mua bán/ tặng cho thì bạn lưu ý thuế suất tính thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp mua bán nhà là 25% trên thu nhập tính thuế;trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế thì áp dụng thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng (Điều 22 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/9/2008 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân); đối với trường hợp tặng cho nhà là 10% trên thu nhập tính thuế (Điều 10 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP). Riêng với các trường hợp mua bán/tặng cho như sau thì được miễn thuế thu nhập cá nhân (theo Điều 4 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP):

- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau.

- Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau.

Thủ tục mua bán/ tặng cho nhà như sau:

* Công chứng Hợp đồng mua bán/ tặng cho nhà.

- Cơ quan thực hiện: Tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.

- Hồ sơ yêu cầu công chứng: Bạn nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu công chứng cho tổ chức công chứng bao gồm:

+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;

+ Dự thảo hợp đồng (nếu có);

+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà;

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.

- Thủ tục:

+ Sau khi nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng.

 + Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng (nếu có) hoặc giúp người yêu cầu công chứng soạn thảo hợp đồng dựa trên mẫu sẵn có.

 + Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe.

+ Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng. Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng.

Sau khi nộp phí công chứng và thù lao công chứng tại tổ chức công chứng nơi bạn yêu cầu công chứng thì bạn được nhận hợp đồng mua bán/ tặng cho nhà có chứng nhận của tổ chức công chứng để tiến hành thủ tục đăng ký sang tên bạn theo quy định của pháp luật.

* Đăng ký sang tên người quen bạn trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

- Cơ quan tiến hành: Văn phòng đăng ký đất và nhà thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có bất động sản. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn thì có thể nộp tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

- Hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà gồm:

+ Hợp đồng mua bán/ tặng cho nhà

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

+ Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên…

- Thủ tục: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký đất và nhà có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp các bên mua bán/ tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà nghĩa vụ tài chính đó được xác định theo số liệu địa chính thì văn phòng đăng ký nhà và đất gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; văn phòng đăng ký nhà và đất thông báo cho các bên thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nếu có), cá nhân được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại nơi đã nộp hồ sơ.

Nơi cư trú
Hỏi đáp mới nhất về Nơi cư trú
Hỏi đáp Pháp luật
Xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu đỗ của phương tiện là nơi cư trú như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Người chưa thành niên có được có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ không?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký nơi cư trú mới nhất hiện nay?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu phiếu xác minh thông tin về nơi cư trú mới nhất năm 2023?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu xác nhận nơi cư trú mới nhất năm 2023 được quy định như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Một người nhập hộ khẩu nơi cư trú hai nơi được không? Thủ tục nhập hộ khẩu nơi cư trú được thực hiện như thế nào theo quy định của pháp luật?
Hỏi đáp pháp luật
Thủ tục khai báo tạm vắng khi rời khỏi nơi cư trú?
Hỏi đáp pháp luật
Nơi thường trú là gì?
Hỏi đáp pháp luật
Chuyển hộ khẩu thường trú và chuyển quyền sở hữu nhà
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Nơi cư trú
Thư Viện Pháp Luật
267 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Nơi cư trú
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào