Quyền lợi của những người thừa kế khác trong trường hợp quyền sử dụng đất của người chết để lại đã được cấp giấy chứng nhận mang tên một trong các thừa kế

Ông bà nội tôi sinh ra được 02 người con trai và một người gái con nuôi. Năm 1982 ông nội tôi mất, năm 2004 bà nội tôi mất. Khi còn sống ông bà nội mua một mảnh đất và bố mẹ tôi sinh sống trên đó; đồng thời mua một mảnh đất khác (giấy tờ mua bán đứng tên chú tôi) và cho chú tôi sinh sống trên đó. Trước khi ông bà nội tôi mất không để lại di chúc mà chỉ để lại di ngôn rằng: Ai đang ở đâu thì cứ ở đó. Năm 2007 mảnh đất bố mẹ tôi đang sống đã được UBND huyện cấp sổ đỏ cho bố mẹ tôi. Năm 2007 chú tôi mất. Năm 2008 bố mẹ tôi đã cho gia đình chú 01 thửa đất 31m2 (Hiện người con trai thứ 2 của chú đã xây nhà và ở từ đó cho tới nay) nhưng chưa tách thửa được vì đây là đất xen kẹt chưa làm được sổ đỏ. Nay, bố mẹ tôi đang có ý định tách thửa đất (được cấp sổ đỏ năm 2007) nhưng thím tôi đã gửi đơn sang Ban địa chính xã đề nghị tạm dừng việc chia tách và đưa ra yêu cầu trong trường hợp gia đình tôi không cho hẳn thửa đất mà người con trai thứ 2 đang sử dụng thì sẽ đề nghị chia mảnh đất ông bà để lại với lý do mảnh đất gia đình chú đang ở là do chú thím mua và chú thím chưa được hưởng đất của ông bà. - Việc đề nghị tạm dừng chia tách đối với mảnh đất mà bố mẹ tôi đang sở hữu của thím tôi có đúng không? - Gia đình thím tôi còn quyền được hưởng thừa kế đối với mảnh đất mà bố mẹ tôi đang sở hữu hay không? - Cách xử lý đối với tình huống trên sẽ như thế nào cho phù hợp. Chân thành cảm ơn.

1. Quyền hưởng thừa kế của nhà thím bạn đối với mảnh đất hiện nay đang thuộc quyền sử dụng của bố mẹ bạn

a. Về việc thừa kế di sản của ông bà bạn

Theo thông tin bạn cung cấp thì khi ông bà nội bạn mất không để lại di chúc mà chỉ để lại di ngôn rằng: Ai đang ở đâu thì cứ ở đó. Vậy, đây có phải là di chúc bằng miệng hay không? Và di chúc đó có hợp pháp không?

Khoản 1 Điều 649 Bộ luật Dân sự quy định về hình thức của Di chúc như sau: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trong trường hợp phải lập di chúc bằng miệng thì phải tuân thủ quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự:

- Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

- Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Di chúc bằng miệng hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

(Theo khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân sự)

- Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. (khoản 1 Điều Điều 652 Bộ luật Dân sự).

Đối chiếu với các quy định trên thì việc ông bà nội bạn để lại di ngôn chỉ được coi là di chúc bằng miệng hợp pháp khi có ít nhất hai người làm chứng và di ngôn đó phải được ghi chép, có chữ ký của những người làm chứng đó và phải được công chứng, chứng thực. Nếu không có bất kỳ văn bản giấy tờ nào về việc thể hiện ý chí của ông bà bạn như nêu trên thì coi như không có di chúc và di sản ông bà bạn để lại chia cho những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Trong trường hợp nêu trên, chú bạn (khi còn sống) với tư cách là con đẻ của ông bà bạn sẽ được hưởng di sản thừa kế mà ông bà bạn để lại. Nay, khi chú đã chết thì những người thừa kế của chú (là vợ, con của chú …) sẽ được hưởng phần di sản đó. Như vậy, thím và các con của thím bạn sẽ có quyền nhận di sản mà ông bà bạn để lại (phần di sản mà chú bạn được hưởng khi còn sống).

b. Quyền thừa kế của gia đình thím bạn đối với mảnh đất mà hiện nay bố mẹ bạn đã đứng tên quyền sử dụng

Hiện nay, mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố mẹ bạn nên về pháp lý, nhà nước đã công nhận quyền sử dụng của bố mẹ bạn đối với mảnh đất đó. Tuy nhiên, nếu thím bạn có tranh chấp về mảnh đất đó thì quyền sử dụng của bố mẹ bạn đối với mảnh đất đó có thể bị xem xét lại.

Mảnh đất đó có nguồn gốc do ông bà bạn mua nên khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình thì bố mẹ bạn cần có giấy tờ chứng minh quyền được đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật (như giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất). Bạn có thể tìm hiểu xem khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng mảnh đất đó thì bố mẹ bạn có đầy đủ giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật hay không.

Nếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố mẹ bạn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì cho dù có tranh chấp của thím bạn thì quyền sử dụng của bố mẹ bạn cũng không bị ảnh hưởng. Quyền sử dụng mảnh đất này cũng không còn được coi là di sản của ông bà bạn để lại để chia theo pháp luật nữa.

Nếu việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ bạn thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật thì Giấy chứng nhận đó có thể bị thu hồi. Điểm a khoản 2 Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có quy định liên quan đến vấn đề này như sau: Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp mà có văn bản của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận là Giấy chứng nhận đã cấp trái với quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp. Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bố mẹ bạn thì thu hồi và mảnh đất đó được xác định là di sản thừa kế do ông bà bạn để và được chia thừa kế theo quy định của pháp luật thì gia đình thím bạn sẽ có quyền tham gia việc phân chia di sản đó.

2. Việc thím bạn đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm dừng chia tách đối với mảnh đất mà của bố mẹ bạn

Như trên đã chỉ ra hai vấn đề:

(i) Di ngôn của ông bà bạn để lại có thể sẽ không được coi là di chúc bằng miệng hợp pháp và di sản của ông bà bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật; gia đình thím bạn cũng có quyền nhận di sản do ông bà bạn để lại.

(ii) Mảnh đất có nguồn gốc do ông bà nội bạn để lại nên khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bố mẹ bạn phải cung cấp giấy tờ chứng minh về việc được sử dụng hợp pháp.

Từ hai vấn đề nêu trên thì việc thím bạn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tạm dừng thủ tục chia tách mảnh đất của bố mẹ bạn là có cơ sở; đồng thời thím bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét về quyền lợi của gia đình thím bạn đối với mảnh đất nêu trên theo quy định của pháp luật.

3. Việc giải quyết đối với trường hợp mà bạn nêu

Việc giải quyết tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp trong gia đình thì tự hòa giải luôn là lựa chọn đầu tiên mà các bên cần hướng tới. Vì mấu chốt trong mâu thuẫn của gia đình bạn là việc bố mẹ bạn chưa thể làm thủ tục sang tên 31m2 đất xen kẹt cho con trai của thím nên gia đình bạn có thể thỏa thuận thêm về vấn đề này.

Trước hết, có thể giải thích rõ cho thím bạn biết lý do chưa thể làm thủ tục sang tên quyền sử đất đối với 31m2 đất đó. Đồng thời, bố mẹ bạn có thể tìm phương án để sang tên quyền sử dụng đất cho con trai thím, như làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật rồi tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất. Trong trường hợp không thể tự giải quyết được dẫn đến việc thím bạn khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thư Viện Pháp Luật

Thừa kế
Hỏi đáp mới nhất về Thừa kế
Hỏi đáp Pháp luật
Mức hưởng của những người thừa kế không phụ thuộc di chúc là bao nhiêu?
Hỏi đáp pháp luật
Cách tính 2/3 một suất thừa kế như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu văn bản từ chối thừa kế mới nhất 2024 và hướng dẫn cách viết?
Hỏi đáp Pháp luật
06 đối tượng không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế?
Hỏi đáp Pháp luật
Con nuôi sẽ được thừa kế tài sản hợp pháp trong trường hợp nào?
Hỏi đáp pháp luật
Có phải con chưa thành niên sẽ được hưởng 2/3 suất của người thừa kế không?
Hỏi đáp pháp luật
Người thừa kế trong dân sự là ai?
Hỏi đáp Pháp luật
Trẻ sơ sinh có quyền thừa kế không? Quy định về việc hưởng di sản của trẻ sơ sinh như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Vợ có tài sản riêng nhưng chết thì ai có quyền thừa kế tài sản đó theo pháp luật?
Hỏi đáp pháp luật
Người quản lý tài sản thừa kế có được nhận thù lao trong việc quản lý tài sản thừa kế không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Thừa kế
212 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Thừa kế
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào