Hỏi về việc yêu cầu thực hiện hợp đồng mua bán

Nhờ các luật sư tư vấn giúp mình: Tháng 3/2010, mình mua một mảnh đất vườn, đã trả 70% tiền. Người bán hẹn 2 tháng sau có sổ đỏ. Nhưng từ đó đến giờ vẫn chưa có. Lúc đó mình vì tin tưởng nên đã không ghi trong hợp đồng nếu quá hạn thì sẽ thế nào. Tháng 11/2011, mình có đưa thêm 10% tiền nữa, và yêu cầu người bán viết giấy biên nhận, kèm theo ràng buộc, trong vòng 6 tháng (đến tháng 5/2012) nếu không giao được sổ đỏ sẽ phải hoàn trả gấp đôi tổng số tiền đã giao. Hiện giờ đã là tháng 9, mình có yêu cầu người đó thực hiện thỏa thuận, nhưng họ bảo không được. Và từ đó đến giờ mình không thể hẹn gặp mặt được, chỉ có thể nói qua điện thoại. Mình cũng ko biết nhà, chỉ biết địa chỉ công ty (là giám đốc công ty tư nhân). Bây giờ mình đã tìm hiểu việc làm được sổ đó rất khó khăn nên muốn yêu cầu thực hiện thỏa thuận (Trả lại gấp đôi tiền) Xin hỏi các luật sư: Mình muốn đưa việc này ra pháp luật thì thủ tục như thế nào?  Mình phải chịu các khoản phí gì?  Đưa ra pháp luật thì mình có khả năng đòi được tiền hay ko?

Theo thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể nên tôi tư vấn theo hai trường hợp sau:

1. Trường hợp 1: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có đủ điều kiện: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bạn đủ các điều kiện theo quy định của Điều 106, Điều 127 Luật Đất đai năm 2003 nên việc chuyển nhượng hợp pháp đã phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Bên chuyển nhượng đã vi phạm Hợp đồng.

2. Trường hợp 2: Đất chuyển nhượng không có đủ điều kiện theo quy định tại Trường hợp 1:

* Theo quy định tại Bộ Luật dân sự năm 2005:

"Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu.

Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng".

* Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2003:

"Điều 106. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 110; khoản 2 và khoản 3 Điều 112; các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 113; khoản 2 Điều 115; điểm b khoản 1, các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 119; điểm b khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 120 của Luật này khi có các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Mục 4 Chương II của Luật này.

Điều 127. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất

1. Việc nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định như sau:

a) Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn thì nộp tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

b) Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất".

Như vậy, theo viện dẫn tại Trường hợp 2, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên nếu vi phạm các điều cấm của pháp luật thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này bị vô hiệu nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn nên khởi kiện để yêu cầu Toà án nơi có đất giải quyết tranh chấp buộc bên chuyển nhượng phải thực hiện hợp đồng hoặc hoàn trả cho bạn số tiền đã nhận. Trong trường hợp khởi kiện, bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
149 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào