Thủ tục hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học

Anh/ chị cho em hỏi: Bố em là bồ đội về mất sức đang hưởng chế độ bệnh binh. Trong thời gian chiến tranh có đi chiến đấu ở chiến trường B. Nay em muốn làm thủ tục hưởng chế độ da cam thì thủ tục cần những gì, và khi làm được thủ tục rồi thì chế độ được hưởng được tính như thế nào. Em xin cảm ơn!

 

Tại Điều 39 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 quy định điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm  chất độc hoá học:

1. Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 01/8/1961 đến 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

2. Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau:

a. Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bội Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;

b. Vô sinh;

c. Sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.

Ngày 18 tháng 11 năm 2013 Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ: hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ, ban hành danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH/DIOXIN làm suy giảm khả năng lao động.

Căn cứ Điều 27 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2014 của Bộ Lao động TB&XH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân: Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gồm:

          1. Bản khai (Mẫu HH1).

          2. Một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học được xác lập từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước.

Bản sao: Lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng.

          3. Bản sao bệnh án điều trị tại cơ sở y tế có thẩm quyền do Bộ Y tế quy định, trừ các trường hợp sau đây:

          a) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến vô sinh theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền do Bộ Y tế quy định.

Người hoạt động kháng chiến không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con, nay đã hết tuổi lao động (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi) được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

          b) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không mắc bệnh theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 39 của Nghị định nhưng sinh con dị dạng, dị tật được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

Căn cứ Khoản 2 Điều 29 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2014 của Bộ Lao động TB&XH: thủ tục xác nhận và giải quyết chế độ:

          a) Cá nhân lập bản khai kèm các giấy tờ quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 27 hoặc Khoản 2, Khoản 3 Điều 28 của Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

          b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được bản khai, có trách nhiệm xác nhận các yếu tố trong bản khai, lập danh sách đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học kèm giấy tờ quy định tại Điểm a Khoản này gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

          c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách người đủ điều kiện kèm giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

          d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, giới thiệu (kèm bản sao hồ sơ) ra Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.

  Đối chiếu với các quy định cụ thể trên, nếu bố của chị đủ điều kiện đề nghị liên hệ với UBND xã nơi cư trú, phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện để  giải quyết

Thư Viện Pháp Luật

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

202 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào